Khái niệm Bình đẳng giới nói chung:
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).
Tại Điều 18 - Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và của gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình được tự do tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được tự do lựa chọn những vai trò giống nhau hoặc khác nhau trong gia đình tùy theo mục đích của mỗi người, được tự do lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.
Gia đình tiêu biểu muốn nói đến là gia đình cô giáo Lường Thị Hoài, dựa trên khái niệm về Bình Đẳng giới, điều 18 Luật Bình đẳng giới và thực tế cuộc sống gia đình cô giáo Lường Thị Hoài đã thực hiện rất tốt nội dung Bình đẳng giới trong gia đình.
Vấn đề bàn đến ở đây là gia đình cô giáo Lường Thị Hoài cùng chồng là Cà Văn Doan hai vợ chồng đều là dân tộc thái, sinh được hai cháu đều là con gái. Sống trong bản Sam Mứn 100% là dân tộc thái, trong môi trường còn năng nề về vấn đề Trọng nam khinh nữ, bản than gia đình cô giáo cũng chịu áp lực năng nề từ phía gia đình nhà chồng còn nặng về quan điểm Trọng nam khinh nữ, muốn có cháu trai để nối dõi tông đường.
Vượt lên tất cả định kiến, áp lực từ phía gia đình, môi trường sống, các thành viên trong gia đình cô luôn đầy ắp tiếng cười, cuộc sống gia đình hạnh phúc. Từng bước, từng bước vợ chồng cô giáo Lường Thị Hoài kiên trì thuyết phục người than trong gia đình bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tuyên truyền tới bà con trong bản Luật Bình đẳng giới, cô giáo đã rất khéo léo trong công tác tuyên truyền với chị em phụ nữ biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, biết nói lên tiếng nói của mình trong gia đình, sống cởi mở hơn, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tại thôn bản sôi nổi. Cô giáo đã tuyên truyền vận động mở được các lớp Xóa mù chữ, lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ từ những năm 2001 đến năm 2017, lớp học 90% là nữ giới trong độ tuổi từ 25-60 tuổi do nhiều yếu tố đã không đến lớp học trong đó có yếu tố về Bình Đẳng giới (Phụ nữ đến tuổi lấy chồng nghỉ ở nhà không cho đi học, hoặc cá biệt có chị em còn bị cha mẹ bắt lập gia đình sớm), góp phần nâng cao trình độ dân trí tại địa phương, xóa được nạn mù chữ.
Về phía gia đình cô giáo Lường Thị Hoài cả hai vợ chồng đều là giáo viên, luôn cố gắng trong công tác hằng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân cô là giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm liền. Cả hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc nuôi dạy con. Hai con của cô rất học giỏi, ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Con gái lớn 12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi hiện nay đang học năm thứ nhất trường Đại học Luật Hà Nội, con gái thứ hai đang học lớp 5 tại trường Tiểu học số 1 Sam Mứn các năm học em đều đạt học sinh giỏi, năng nổ trong mọi hoạt động, gia đình và nhà trường đều rất tự hào về hai cháu.
Từ những hành động, việc làm cụ thể của gia đình cô giáo Lường Thị Hoài đã góp phần tuyên truyền tới bà con trong bản, người than trong gia đình bỏ được định kiến “Trọng nam khinh nữ” Thực hiện Bình Đẳng giới trong gia đình. Những cuộc họp tại thôn bản như trước đây là đàn ông đi họp, giờ đây đã thay đổi chị em phụ nữ cũng tham gia họp và có ý kiến phát biểu mạnh dạn hơn, biết tham mưu ý kiến cho thôn bản.
Vai trò, ý nghĩa của bình đẳng giới trong gia đình chúng ta không thể phủ nhận.
Phụ nữ bình đẳng với nam giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc, đã sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ tốt đẹp. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang một ý nghĩa lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc. Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội, ở đó vai trò của người phụ nữ với chức năng sàng lọc và giữ gìn văn hoá dân tộc mang ý nghĩa đặc biệt. Để phụ nữ làm được chức năng quan trọng này với gia đình và dân tộc, trước hết họ phải được bình đẳng để tiến bộ và theo kịp thời đại.
Thời đại hôm nay đứng trước sứ mệnh sàng lọc và truyền nối để bảo vệ nền văn hoá dân tộc, trước tiên gia đình mình phải là người có đức, có trí, có lực. Họ phải được bình đẳng thì mới đạt được những chuẩn mực mang nội dung thời đại để từ đó xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái trở thành con người mới, công dân mới xã hội chủ nghĩa thì vai trò của người mẹ càng lớn lao hơn. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điển tựa cho con người vượt qua mọi thử thách.
Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
NGƯỜI VIẾT
Khoàng Thị Vươn